Giỏ hàng

ĐẨY MẠNH ÁP DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀO SẢN XUẤT

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển của ngành sản xuất vật liệu xây dựng tại Việt Nam. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp rất cần tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và Công ty cổ phần Gốm Đất Việt cũng không nằm ngoài xu thế chung.

Giảm lao động, tăng năng suất

Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050 nêu rõ, việc nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ vào sản xuất sẽ là chìa khóa để ngành Vật liệu xây dựng đạt được những mục tiêu trong 10 năm tới.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổ hợp Công ty cổ phần Gốm Đất Việt (bao gồm 3 công ty: Công ty cổ phần Gốm Đất Việt, Công ty cổ phần Gạch Ngói Đất Việt và Công ty cổ phần Kinh doanh – Xuất nhập khẩu Gốm Đất Việt) đã hăng hái nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Trong những năm qua, Tổ hợp Công ty cổ phần Gốm Đất Việt (gọi tắt là Công ty Gốm Đất Việt) không ngừng áp dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, đưa vào sử dụng máy móc tự động phân phối nguyên vật liệu và bốc dỡ sản phẩm thay cho con người. Công ty cũng lắp đặt chế độ tự động cảnh báo an toàn tại các vị trí có nguy cơ cao xảy ra mất an toàn lao động cho người và máy móc thiết bị. Ngoài ra, Công ty cổ phần Kinh doanh – Xuất nhập khẩu Gốm Đất Việt đang sử dụng giải pháp quản lý DMS nhằm tối ưu hóa công tác kiểm soát cho doanh nghiệp.

Việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã mang lại những hiệu quả rõ rệt trong hoạt động sản xuất của Công ty Gốm Đất Việt, thể hiện qua việc giải phóng sức lao động của công nhân, cải thiện môi trường lao động và tăng năng suất lao động.

Trong điều kiện người lao động có nhiều sự lựa chọn việc làm, việc ứng dụng tiến bộ công nghệ đã giúp Công ty Gốm Đất Việt không phải thuê lao động thời vụ. Hiện tại, Công ty có khoảng 900 lao động, giảm khoảng 400 lao động so với thời gian chưa áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất. Quan trọng hơn là việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã giúp cải thiện đáng kể năng suất lao động của công ty, tăng khoảng 1,5 lần so với thời gian chưa áp dụng công nghệ.

Giám đốc Phòng Kỹ thuật công nghệ của Công ty Gốm Đất Việt, ông Nguyễn Văn Lai chia sẻ: “Kể từ khi áp dụng công nghệ vào sản xuất, chất lượng sản phẩm của công ty luôn được kiểm soát thông qua hệ thống quản lý và cảnh báo tự động. Ngoài ra, việc ứng dụng hệ thống DMS còn giúp cán bộ, công nhân viên của công ty tiết kiệm được thời gian di chuyển và hành trình làm việc trong ngày, tạo điều kiện cho cán bộ quản lý kịp thời nắm bắt các diễn biến trong ngày của thị trường”.

Thách thức và cơ hội

Không chỉ ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ của nước ngoài, Công ty Gốm Đất Việt còn rất quan tâm đến việc tự nghiên cứu phát triển công nghệ. Ban lãnh đạo công ty đã kêu gọi phát huy tính sáng tạo của cán bộ, công nhân viên và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình.

Nhiều sáng kiến mang tính đột phá chuyển mình của cán bộ, công nhân viên công ty đã được áp dụng vào thực tế sản xuất như: Đưa hệ thống nghiền siêu mịn thay cho hệ thống nghiền khô và nghiền ướt truyền thống; Tận thu khí thải để sấy sản phẩm và bỏ bầu đốt sấy bằng than, vừa tiết kiệm chi phí, vừa hạn chế khí thải ra ngoài môi trường… Những sáng kiến này không chỉ giúp Công ty Gốm Đất Việt nâng cao năng suất lao động mà còn mang về bằng sáng chế, bằng độc quyền về giải pháp hữu ích của Cục Sở hữu trí tuệ, giải Vàng Chất lượng quốc gia và nhiều giải thưởng uy tín khác. Đặc biệt, công ty vinh dự đạt 2 kỷ lục thế giới và 22 kỷ lục Việt Nam về sản xuất gạch ngói, đất sét nung, được công nhận là đơn vị khoa học công nghệ.

Giám đốc Phòng Kỹ thuật công nghệ Nguyễn Văn Lai cho biết, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất vật liệu xây dựng hiện nay còn gặp nhiều thách thức, trong đó có 2 thách thức cơ bản. Thứ nhất là trình độ của người lao động còn thấp và không đồng đều, gây ra khó khăn trong quá trình vận hành máy móc. Bên cạnh đó, công nghệ hiện đại cũng khiến công tác bảo dưỡng, bảo trì và thay thế linh kiện máy móc tốn kém hơn nhiều so với các thiết bị truyền thống. Để nâng cao trình độ cho người lao động, giúp họ thực sự làm chủ công nghệ, công ty Gốm Đất Việt thường xuyên tổ chức các lớp nâng cao trình độ cho cán bộ, công nhân viên và cử cán bộ có trình độ kèm cặp đội ngũ thợ vận hành máy móc.

Năm 2019, Công ty liên kết với trường Cao đẳng nghề Việt – Hàn, Quảng Ninh mở lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ thợ cơ khí. Hiện nay, công ty đang liên kết với trường Đại học Kinh tế quốc dân mở lớp cao học cho 29 cán bộ, công nhân viên có nhu cầu nâng cao trình độ sau đại học.

Bên cạnh những thách thức, Cách mạng công nghệ 4.0 cũng mang đến nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp trong thời đại mới. Đó là cơ hội tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm và giảm áp lực tuyển dụng lao động. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp có thể mở rộng và chiếm lĩnh thị trường kinh doanh.

Nhưng để vượt qua những thách thức và nắm bắt cơ hội phát triển trong thời đại công nghệ 4.0, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng rất cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước. Do đó, công ty Gốm Đất Việt mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ nghiên cứu và ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất vật liệu xây dựng.