Giỏ hàng

NGƯỜI THỔI HỒN VÀO ĐẤT VÀ TRUYỀN LỬA TINH THẦN KHỞI NGHIỆP

Sau khi về hưu ở cương vị Tổng Giám đốc của Tổng Công ty CP Hạ Long Viglacera, cái nghiệp đất sét nung mà ông Nguyễn Quang Mâu đã gắn bó mấy chục năm đã thôi thúc nhiệt huyết trong ông và rồi ông cùng nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng đã quyết định chung sức sáng lập ra Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt vào khoảng đầu năm 2009.

Sản phẩm của Gốm Đất Việt ra thị trường chẳng được bao lâu thì bị đẩy vào cuộc đua hạ giá. Trong bối cảnh ấy, lãi suất ngân hàng rất cao cùng với khó khăn về vay vốn khiến tình hình công ty rất căng. Nhiều nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào thi nhau đòi nợ còn lãi suất ngân hàng thì đến hẹn lại lên…Trong suốt mấy năm, ông Nguyễn Quang Mâu đã mòn chân ở ngân hàng để hỏi xin vay, nhưng đều không được.

Công ty quay cuồng trong cơn đảo nợ, vay chỗ này để trả chỗ khác…Áp lực quá, anh kế toán trưởng công ty vật vã xuống gặp ông Mâu xin nghỉ việc. “Tôi còn đây thì nhất định Gốm Đất Việt sẽ tồn tại và đứng vững. Mọi người hãy cùng tôi vượt qua khó khăn, đừng lùi bước. Tin tôi đi, ở đâu có ý chí ở đó có một con đường”. Câu nói ấy của ông như có sức thức tỉnh và cuối cùng anh đã ở lại cùng Gốm Đất Việt.

Vị thuyền trưởng Nguyễn Quang Mâu kêu gọi, động viên cán bộ, công nhân viên tăng ca để nâng cao năng suất, lấy thương trường làm chiến trường. Ông đích thân lao mình ra trận, đến gặp toàn bộ trưởng thôn ở xã Tràng An, Đông Triều, nơi đặt trụ sở của Gốm Đất Việt. Ông không ngại ngần đặt chân tới tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước, gặp từng nhà phân phối để tiếp thị sản phẩm. Có lẽ trong đời ông chưa bao giờ phải đi nhiều đến thế!

Nhiều cán bộ của công ty từ kỹ thuật và quản lý đều theo chân ông Mâu đi tìm đầu ra cho sản phẩm. Họ đến từng công trình, từng móng nhà dân để giới thiệu về sản phẩm của mình. Với những người đi tiếp thị mà chưa có ô tô, công ty cho họ mượn tiền mà không tính lãi suất rồi trừ dần vào lương.

Cách trả nợ của ông Mâu là trả từ từ, luôn tính toán làm sao để cho những khách hàng bán than, dầu cho mình không bị lỗ mà chí ít là hòa, cùng với nỗ lực thuyết phục để họ nghe ra và thông cảm, tạo điều kiện giãn nợ. Cuối năm, công ty đảo nợ, “Giật đầu cá, vá đầu tôm”, cái nào đến hạn thì trả trước.

Bản thân ông Mâu cũng thế chấp sổ đỏ của gia đình vào ngân hàng. Các cán bộ chủ chốt của công ty ai có nhà thế chấp nhà, ai có ô tô thì thế chấp ô tô.

Trong “cơn bĩ cực” ấy, ông Mâu và ông Hưng đã tính đến việc bán công ty hay đóng cửa công ty nhưng cứ nghĩ tới chuyện đó, ông đau lòng lắm vì mình mất tài sản là một chuyện nhưng không thể làm khổ những người đồng cam cộng khổ với mình, họ đã “rồng rắn” kéo cả vợ con về đây với mình, giờ phá sản họ sẽ đi đâu, rồi ông sẽ mãi phải hổ thẹn với danh hiệu Anh hùng Lao động mà nhà nước đã trao tặng? 

“Người ta tin mình có thể đưa công ty đi lên mà giờ mình đầu hàng để cổ đông mất tiền sao, nên phải chiến đấu tiếp thôi”, ông cười trong ánh mắt đầy xúc động khi nhắc về những ngày "ứa nước mắt" ấy. Ông mê Tennis lắm, nhưng từ năm 2012 đến năm 2016 ông hầu như tạm bỏ để dốc tâm vào việc quản lý công ty. Ông bộc bạch rằng, ông tạm gác thú vui của mình để tập trung vào công việc, bởi khi công ty còn khó thì sao ông có thể vui được.

Dốc sức vào công việc nên có khi cả mấy tháng ông không về thăm gia đình dù khoảng cách từ Đông Triều và Hà Nội không xa.

“Lại một ngày chủ nhật

Lại một tháng trôi qua

Nhà chẳng cách bao xa

Mà anh không về được”

Đó là những câu thơ mà người ta viết về ông khi hy sinh cả thời gian cho gia đình để lo cho công ty. Thậm chí cả đêm, ông cũng xuống xưởng sản xuất để nhắc nhở anh em. May mắn thay, ông có người bạn đời luôn cảm thông và chia sẻ với những vất vả của đời doanh nhân, cố gắng chu toàn cho gia đình để ông yên tâm công tác. 

Dù khó nhưng công ty vẫn cố gắng đảm bảo về thu nhập cho người lao động. Họ vẫn được ăn ca tự chọn, được tắm xông hơi, có phòng đọc sách riêng, quần áo được giặt sấy…vì ông luôn tâm niệm rằng, công nhân có sống vui, sống khỏe thì họ mới hết lòng vì công việc được. Vì thế rất nhiều cán bộ, công nhân viên vẫn gắn bó với công ty cho đến tận bây giờ. Và rồi tỉnh Quảng Ninh vào cuộc, tác động Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì một cuộc họp riêng về Gốm Đất Việt. Lãnh đạo tỉnh đề nghị Ngân hàng nhà nước chỉ đạo tạo điều kiện giãn nợ cho công ty, cùng với các chính sách điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng nhà nước đã giúp tháo nút thắt về vốn cho Gốm Đất Việt.

“Đừng bao giờ thôi ước mơ và từ bỏ mơ ước”

Có bạn trẻ hỏi ông, “Khởi nghiệp bắt đầu từ đâu?”, ông trả lời rằng hãy bắt đầu từ cái khó của chính mình. Nước chúng ta còn nghèo vì vậy, mỗi người cần thắp lên một khát vọng lớn, một khát vọng xả thân để bứt phá, ông chia sẻ về vấn đề khởi nghiệp.

Với kinh nghiệm của mình, ông cho rằng, các bạn trẻ khi khởi nghiệp cần phải lường trước năng lực, sức lực và sở trường và phải làm thế nào để giữ được giới hạn an toàn. Trong kinh doanh mạo hiểm là cần thiết nhưng phải căn cứ vào điều kiện và khả năng của mình và nên chọn cách khởi nghiệp đơn giản, tinh gọn, hiệu quả. Nhiệt huyết là cần thiết nhưng phải song hành với sự thận trọng. Không thể tay không đi vay toàn bộ mà không suy tính trước sau vì nếu mất, không chỉ hại mình mà còn vạ lây cho bao người khác nữa.

“Sẽ có lúc bạn mệt mỏi và muốn buông xuôi, tưởng như mình cô độc, nhưng hãy bình tĩnh và bản lĩnh để làm sao "lâm nguy bất loạn" và hãy nhớ “thất bại là mẹ thành công”. Điều quan trọng là các doanh nhân trẻ đừng bao giờ thôi ước mơ và từ bỏ ước mơ của mình, hãy luôn giữ vững đam mê, lòng ham học hỏi và khát vọng vươn lên”, vị Anh hùng Lao động, doanh nhân nhắn nhủ.